Bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và người dẫn chương trình Chris van Tulleken từ Anh đã làm một thí nghiệm về thực phẩm siêu chế biến. Quá trình được ghi lại trong bộ phim tài liệu đăng trên kênh BBC Earth.
Trong bốn tuần, Tulleken chủ yếu ăn đồ chế biến sẵn như gà rán, bánh mì kẹp thịt và bánh pizza. Chúng chiếm 80% chế độ ăn của anh, tăng 30% so với trước khi thử nghiệm.
Dù chỉ định ăn ba bữa một ngày, thêm bữa ăn nhẹ không thường xuyên, người đàn ông 42 tuổi cảm thấy cơn đói đến nhanh hơn. Tulleken cho rằng thực phẩm siêu chế biến có kết cấu mềm, dễ nhai và dễ tiêu hóa hơn, khiến anh ăn nhiều hơn.
Theo anh, thực phẩm siêu chế biến rất có hại cho sức khỏe, hầu như không có chức năng thực sự, ngoại trừ việc chúng rẻ và có chứa calo. Tulleken khuyến cáo nếu có thời gian, tài chính và khả năng, chúng ta không nên ăn loại đồ ăn này.
Thực phẩm siêu chế biến là gì?
Có một cách thông minh hơn để nhận biết thực phẩm lành mạnh, theo Christopher Millet, giáo sư Y tế Công cộng tại Đại học Hoàng gia London. Thay vì coi đồ ăn với hàm lượng chất béo, đường và natri cao là những thứ không lành mạnh, bạn nên tham khảo hệ thống phân loại thực phẩm NOVA do các nhà nghiên cứu tại Đại học Sao Paulo, Brazil, phát triển. Thực phẩm được chia thành bốn nhóm theo mức độ chế biến.
Nhóm 1: Thực phẩm chưa qua chế biến gồm thức ăn tươi hoặc được chế biến tối thiểu như trái cây, rau, trứng và sữa.
Nhóm 2: Nguyên liệu mà bạn có thể nấu cùng hoặc dùng để tạo hương vị cho thực phẩm Nhóm 1, chẳng hạn như dầu thực vật hoặc đường tinh luyện.
Nhóm 3: Thực phẩm đã qua chế biến để bảo quản hoặc tăng hương vị, chẳng hạn như giăm bông, thịt xông khói, cá hun khói và pho mát.
Nhóm 4: Thực phẩm siêu chế biến, trải qua nhiều bước xử lý và chứa các chất phụ gia để cải thiện kết cấu và kích thích thèm ăn. Các ví dụ bao gồm đùi gà, khoai tây chiên đông lạnh, bánh pizza làm sẵn và nhiều loại ngũ cốc.
Tác hại của đồ ăn siêu chế biến
Kết quả cuộc thử nghiệm kéo dài một tháng rất đáng báo động. Bác sĩ Tulleken cho biết anh thấy uể oải, già đi khoảng 10 tuổi, ăn ngủ kém, táo bón, tăng 6,5 kg trong 4 tuần khiến anh thuộc nhóm thừa cân, ngực to hơn và giảm ham muốn tình dục.
Anh cũng lo lắng nhiều hơn. Theo anh, tác động ngắn hạn của thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến trầm cảm và lo âu.
Tulleken đã làm việc với Rachel Batterham, giáo sư về béo phì, tiểu đường và nội tiết tại Đại học College London và một trong những chuyên gia hàng đầu của Anh về bệnh béo phì ở trẻ em. Batterham giúp anh tìm hiểu những thay đổi từ bên trong thông qua xét nghiệm máu, chụp não, đo cân nặng, chỉ số khối cơ thể và lượng mỡ.
Kết quả cho thấy thực phẩm siêu chế biến làm thay đổi hormone. Trong khi hormone "đói" (ghrelin) trong máu tăng lên 30%, hormone "no" (leptin) lại tụt giảm.
Não của Tulleven cũng bị ảnh hưởng như khi sử dụng thuốc lá, rượu và ma túy. So sánh ảnh chụp não trước và sau thử nghiệm, giáo sư Batterham phát hiện "các kết nối chức năng mới" mà trước đây chưa có, phản ánh hành vi tự động hoặc lặp lại thường thấy ở chứng nghiện. Tulleken cho biết não bộ thúc giục bạn ăn thực phẩm siêu chế biến, dù bạn muốn hay không.
Ảnh hưởng đối với trẻ em
"Nếu trong bốn tuần, bộ não 42 tuổi của tôi đã bị ảnh hưởng như vậy, một bộ não đang phát triển mong manh sẽ ra sao?", Tulleken nói. Thói quen ăn uống không lành mạnh và số lượng lớn các loại thực phẩm siêu chế biến dường như là thủ phạm làm gia tăng nhanh chóng bệnh béo phì ở trẻ em.
Tulleken chỉ ra rằng mỗi thế hệ trong 50 năm qua đều nặng cân hơn thế hệ trước. "Hai cô con gái Sasha và Lyra của tôi có nguy cơ thừa cân ở tuổi thiếu niên cao gấp ba lần so với tôi", anh nói. Ngoài ra, 80% thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì sẽ phải chịu những ảnh hưởng của bệnh khi trưởng thành.
"Một số trẻ sẽ có sức khỏe kém suốt đời", Shaw Somers, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Queen Alexandra, Anh, cho biết. Theo ông, vấn đề nằm ở sự tiện lợi và số lượng lớn các thực phẩm siêu chế biến trên thị trường.
Tulleken và nhiều chuyên gia hiện nay tin rằng chúng ta đã đánh giá thấp tác động của thực phẩm siêu chế biến đối với chứng béo phì ở trẻ em. Tại một trường trung học ở Brazil, cô giáo Paula phản ánh tình trạng tiểu đường, béo phì và cholesterol cao gia tăng ở trẻ 7 tuổi.
Cô chia sẻ: "Chúng tôi từng ăn nhiều cá, tôm, thịt đỏ, thịt gà và mọi thứ đều tươi. Song, thói quen ăn uống đã thay đổi". Tỷ lệ béo phì ở Brazil đã tăng hơn 150% từ năm 2002 đến nay. Trong đó, trẻ em với chế độ ăn nghèo nàn có sức khỏe kém.
Ảnh hưởng đối với phụ nữ
Theo Tulleken, thực phẩm siêu chế biến có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đặc biệt là ở phụ nữ.
"Chất béo có chức năng chuyển hóa và thay đổi hormone. Vì vậy, khi thực phẩm siêu chế biến làm ta tăng cân, lượng hormone sẽ biến đổi", anh nói.
Tulleken nghi ngờ rằng điều này có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh sản, một phần do nhựa được sử dụng để bọc thực phẩm đã qua chế biến.
Làm gì để giảm tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến?
Tulleken cho biết: "Nếu thực phẩm được bọc trong bao bì nhựa và chứa thành phần không có trong nhà bếp của bạn, như chất làm đặc xanthan gum, lecithin đậu nành, chất nhũ hóa, chất ổn định, glycerol, hay siro glucose, chúng có thể thuộc nhóm siêu chế biến".
"Hầu hết bánh mì trong siêu thị, ngũ cốc ăn sáng, sữa chua, đồ ăn nhẹ, khoai tây chiên và hầu hết đồ ăn đông lạnh như kem, đều chứa những thành phần trên", anh nói thêm.
Tulleken đề xuất món cháo yến mạch cho bữa sáng. Trẻ em chỉ nên uống nước hoặc sữa. Bên cạnh đó, trái cây là lựa chọn tốt hơn nước ép.
"Nước ép giống như một loại nước giải khát, trong khi việc nhai trái cây tốt cho tủy răng. Dù nước ép không thuộc nhóm siêu chế biến, các hạt nước nhỏ không có lợi và thậm chí gây hại cho răng vì tính axit", chuyên gia nói.
Theo Tulleken, có hai giải pháp về chính sách: "Chúng ta cần dán nhãn thực phẩm siêu chế biến và cấm tiếp thị loại đồ ăn này cho trẻ em, như cách ta làm với thuốc lá. Giải pháp khác là thay đổi định kiến của chúng ta rằng người béo phì thường yếu đuối. Béo phì là căn bệnh một phần do các công ty gây ra, không phải do thiếu sót trong tính cách mỗi người".