Sụt giảm 10.000 USD vào hôm thứ Hai và qua một đợt điều chỉnh ngắn, Bitcoin đã bắt đầu chững lại. Hiện tại, Bitcoin lên xuống ở ngưỡng 50.000 USD.
Sự lao dốc đột ngột
Bắt đầu từ ngày thứ Hai, Bitcoin đã giảm mạnh từ mức giá cao nhất là 58.326 USD trong ngày xuống mức thấp nhất là 47.650 USD - giảm hơn 10.000 USD chỉ trong một ngày, với mức giảm tối đa hơn 20%.
Theo thống kê, vào ngày mà Bitcoin lao dốc, có tổng cộng 330.000 người dùng trên các sàn trở thành nạn nhân của việc thanh lý, với lệnh bán ra lớn nhất lên tới 20,65 triệu USD. Trên thực tế, không chỉ Bitcoin giảm mạnh mà đêm hôm trước, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua nhiều mức độ điều chỉnh khác nhau.
Cổ phiếu và chứng khoán Hồng Kông đều đóng cửa giảm điểm. Các chỉ số châu Âu cũng mở cửa ở mức thấp hơn 1%. Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ cũng giảm, trong đó S&P 500 giảm gần 1% và Nasdaq là hơn 1%. Điều đáng chú ý là trong quá trình suy giảm của lĩnh vực tài chính toàn cầu, sự sụt giảm của các cổ phiếu khái niệm blockchain và cổ phiếu công nghệ đặc biệt rõ rệt.
Trong số đó, Canaan Technology đóng cửa giảm 15,89%, giá cổ phiếu của công ty khai thác tiền điện tử RiotBlockchain giảm 11,06% và MarathonPatent giảm 10,21%. Tesla, công ty vừa công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin, cũng giảm 3,7% vào ngày thứ Hai. Thị trường tài chính toàn cầu, cho dù đó là thị trường chứng khoán hay vòng tròn tiền tệ, đã mở ra một đợt giảm mạnh.
Hai rủi ro tiềm ẩn của thị trường tăng giá hiện tại
Có nhiều ý kiến khác nhau về lý do cho sự tụt dốc của Bitcoin. Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là một ví dụ, bà cho rằng Bitcoin thường được sử dụng để tài trợ bất hợp pháp và ứng dụng của nó không hiệu quả. “Bitcoin có tính đầu cơ cao và các nhà đầu tư nên cẩn thận. Tiền kỹ thuật số có thể dẫn đến thanh toán nhanh hơn và chi phí thấp hơn, nhưng nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, bao gồm bảo vệ người tiêu dùng và rửa tiền”, Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên bà Yellen bày tỏ lo ngại về Bitcoin. Vào tháng 1 năm nay, khi tham gia phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, bà đã nhắc lại niềm tin về việc sử dụng Bitcoin là một giao dịch bất hợp pháp. Vào thời điểm đó, giá Bitcoin cũng trải qua một đợt điều chỉnh ngắn.
Ngoài ra, Yellen ám chỉ rằng chính quyền Biden ủng hộ việc nghiên cứu tính khả thi của đồng USD kỹ thuật số, trái ngược với sự thiếu quan tâm dưới thời cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin; điều này cũng gián tiếp làm giảm sức hấp dẫn của Bitcoin.
Đằng sau những nhận xét của Yellen là vấn đề mà Bitcoin luôn phải đối mặt. Đặc biệt là sau khi giá trị thị trường của nó vượt quá một nghìn tỷ USD và được ngày càng nhiều công ty, tổ chức lớn công nhận, vấn đề về hướng giám sát là một trong những rủi ro rất lớn.
Vào ngày 14/2 năm nay, quan chức của SEC Mỹ, Hester Peirce, tuyên bố vì Tesla, Bank of New York Mellon và Mastercard đều hỗ trợ tiền điện tử như một loại tài sản thay thế, nên cần có một hệ thống quy định rõ ràng. Ngoài ra, trước khi Bitcoin lao dốc, các nhà quản lý tài chính Hàn Quốc đã đưa ra những biện pháp mới đối với các sàn giao dịch tiền điện tử, yêu cầu mỗi sàn giao dịch phải đánh dấu và thông báo về bất kỳ giao dịch dường như bất thường nào trong vòng ba ngày làm việc.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ cũng tuyên bố vào ngày 22/2 rằng việc nắm giữ tiền điện tử là một "lá cờ đỏ" và các công ty Ấn Độ nên từ bỏ hoàn toàn trước khi đăng ký niêm yết. Thật trùng hợp, cùng ngày, IG Group, một công ty tài chính và kinh tế của Anh, đã bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính Anh, bất ngờ thông báo sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ phái sinh tiền điện tử cho người dùng bán lẻ.
Trước đó do hành vi “kêu gọi đặt hàng” của Musk đối với Bitcoin, nhiều người trong ngành nhận định đây là một sự thao túng thị trường, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nên điều tra điều này.
Trader Peter Brandt thậm chí còn cảnh báo các nhà đầu tư tiền điện tử nên xem lại lịch sử của vàng. Về lý thuyết, Bitcoin có thể bị cấm. Theo lịch sử, năm 1933, Tổng thống Roosevelt đã ký dự luật tịch thu vàng miếng và tuyên bố sở hữu vàng miếng là bất hợp pháp.
Ngoài ra, một rủi ro khác trong quá trình phát triển thị trường Bitcoin là các chính sách tài khóa và tiền tệ của Fed. Một khi Fed tăng lãi suất, nghĩa là thanh khoản thị trường sẽ giảm và đồng USD sẽ mạnh lên. Hiện tượng các quỹ chảy ra khỏi thị trường chứng khoán rõ ràng hơn, và thị trường chứng khoán sẽ giảm. Sự sụt giảm của thị trường toàn cầu vào hôm thứ Hai thể hiện rõ vấn đề này.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là kể từ sau sự cố Thiên nga đen 312, và với sự gia nhập mạnh mẽ của các gã khổng lồ quốc tế như Grayscale, MicroStrategy, Tesla, mối quan hệ giữa Bitcoin với toàn bộ thị trường tiền điện tử và thị trường tài chính truyền thống từ lâu đã trở nên “thân mật” hơn.
Cuối cùng, Bitcoin mặc dù đang tăng giá cũng phải đối mặt với thử thách tiềm năng về tính thanh khoản của thị trường suy giảm. Theo Nikolaos Panigirtzoglou, chiến lược gia tại JPMorgan Chase, Bitcoin đã tăng khoảng hai lần trong ba tháng qua, nhưng tính thanh khoản trên thị trường Bitcoin đang suy giảm.
Hiện tại, thanh khoản của thị trường Bitcoin thấp hơn nhiều so với vàng hoặc chỉ số S&P 500, như vậy ngay cả những dòng vốn nhỏ cũng có thể tác động đáng kể đến giá cả. Các nhà đầu tư mới vào Bitcoin nên chuẩn bị cho những biến động lớn, giá có thể giảm mạnh, giống như đợt tăng đột biến trước đó.
Phong Vũ
Đăng nhận xét